Chợ Đà Lạt không rõ đã có từ lúc nào, nhưng cho đến khi Hébrard hoàn thành đồ án quy hoạch thị xã Đà Lạt vào năm 1923 thì người ta cũng được biết đến một ngôi chợ ở vị trí ấp Ánh Sáng ngày nay. Năm 1929, khi dân số Đà Lạt đã lên đến 2.000, công sứ Chassaing đã cho dời ngôi chợ này về khu vực mà ngày nay gọi là khu Hòa Bình. Hồi ấy chợ được dựng bằng ván gỗ lợp mái tôn nên còn được gọi là “chợ cây”.

Từ 1935 – 1937, công sứ Lucien Auger đã cho xây dựng một khu chợ mới bằng gạch khang trang hơn trên nền chợ cũ, và đã giao cho hãng S.I.D.E.C thiết kế thi công. Ngôi chợ mới với kiến trúc giản dị nhưng khá độc đáo đã một thời là niềm tự hào của người dân Đà Lạt.

Hiệp định Genève năm 1954 đã làm cho dân số Đà Lạt tăng vọt lên trên 50.000 người, lúc này ngôi chợ đã quá tải, lại bị một đầm xà lách cùng rác rưởi bên cạnh làm ô uế cảnh quan, Thị trưởng bấy giờ là Trần Văn Phước đã quyết định xây dựng ngay tại vị trí đầm rác một ngôi chợ lầu đầu tiên của Việt Nam. Ngôi chợ này đã được kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức và các kỹ sư Việt Nam thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiếu đảm trách phần thi công – công trình khởi công từ năm 1958 đến năm 1960 mới hoàn thành. Khi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ ở Pháp về, ông được mời tham gia chỉnh trang ngôi chợ mới và đã thiết kế chiếc cầu thang nối tầng 2 chợ với khu Hòa Bình, cũng như hệ thống đường xá, nhà phố chung quanh chợ. Cùng thời gian này chính quyền cũng đã nhờ hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Lâm Du Tốt thiết kế cải tạo ngôi chợ cũ thành rạp hát Hòa Bình (nay là Rạp 3 – 4) với các quầy hàng thương mại dịch vụ chung quanh như hiện nay.

Du Lịch Đà Lạt

Đến với chợ Đà Lạt hôm nay, du khách có thể hài lòng với các mặt hàng thật phong phú, các quầy hàng ăn uống sạch sẽ vệ sinh và giá cả ổn định.

Du Lịch Đà Lạt

Chợ Đà Lạt khá đa dạng và phong phú với các chủng loại hàng hóa gồm: rau Đà Lạt (bắp cải, súp lơ, bông atisô, tầng ô, bó xôi,…); hoa Đà Lạt (hồng, cúc, cát tường, lily, layơn, huệ trắng,…); đặc sản Đà Lạt (dâu tây, hồng, bơ, mứt dâu, nước cốt dâu, khoai lang dẻo, hồng khô, rượu cần, rượu vang và một số loại mứt khác); quầy hàng ăn uống với đầy đủ các món ăn từ ba miền Bắc Trung Nam; quầy hàng may mặc, đặc biệt là hàng len (áo len, mũ len, khăn len,… từ hàng dệt đến hàng đan tay đều có); quầy hàng lưu niệm, v.v…

Chợ Đà Lạt không hoạt động về đêm, mở cửa lúc 7h00 và đóng cửa lúc 19h00 hàng ngày. Tuy nhiên, Đà Lạt hiện tồn tại chợ đêm với các mặt hàng như: hàng len, hàng ăn uống, rau quả để du khách vừa mua sắm vừa đi dạo ngắm cảnh ban đêm ở trung tâm thành phố Đà Lạt.